11 Điểm mới của luật đất đai
So với Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai (sửa đổi) có 14 chương với 212 điều, tăng 7 chương và 66 điều với 11 điểm mới nổi bật.
Thứ nhất,
Luật Đất đai sửa đổi đã quy định cụ thể hóa các quyền nghĩa vụ của Nhà
nước đối với người sử dụng đất như: Quy định về những bảo đảm của Nhà
nước đối với người sử dụng đất; trách nhiệm của Nhà nước đối với đồng
bào dân tộc thiểu số, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp; trách nhiệm
của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai cho người dân.
Thứ hai, Luật sửa đổi đã bổ sung những nội dung cơ
bản trong việc điều tra, đánh giá về tài nguyên đất đai để phục vụ cho
KTXH mà Luật Đất đai năm 2003 chưa có quy định cụ thể.
Thứ ba, Luật quy định cụ thể rõ ràng từ nguyên tắc
đến nội dung và mở rộng dân chủ, công khai trong quá trình lập quy
hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định về đảm bảo quyền lợi của người sử
dụng đất trong vùng quy hoạch.
Thứ tư, Luật quy định đầy đủ, rõ ràng các đối tượng
được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và điều kiện để triển khai thực
hiện các dự án đầu tư để Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
Qua đó, có thể khắc phục một cách có hiệu quả việc giao đất, cho thuê
đất một cách tràn lan chưa tính đến năng lực của các chủ đầu tư trong
việc triển khai các dự án gây nên tình trạng sử dụng đất lãng phí, kém
hiệu quả như trong thời gian vừa qua.
Thứ năm, Luật xác định rõ và quy định cụ thể những
trường hợp mà Nhà nước phải thu hồi đất (như Hiến pháp vừa mới được
thông qua) nhằm khắc phục, loại bỏ những trường hợp thu hồi đất làm ảnh
hưởng đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất đồng thời khắc phục một
cách có hiệu quả những trường hợp thu hồi đất mà không đưa vào sử dụng,
gây lãng phí, tạo nên các dư luận xấu trong xã hội.
Thứ sáu, Luật quy định cụ thể và đầy đủ từ việc thu
hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đảm bảo một cách công khai, minh
bạch và quyền lợi của người có đất thu hồi; đồng thời khắc phục và
điều tiết một cách hài hòa lợi ích giữa Nhà nước là chủ sở hữu về đất
đai, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Thứ bảy, Luật đảm bảo quyền và lợi ích của những
người sử dụng đất hợp pháp được cấp Giấy chứng nhận và bảo đảm thực hiện
các quyền của người sử dụng đất. Đồng thời khắc phục một cách cơ bản
những trường hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với việc
thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước đảm bảo sự bình đẳng giữa
những người sử dụng đất và ổn định chính trị xã hội ở nông thôn.
Thứ tám, Luật đã tiếp cận và thể hiện đầy đủ vấn đề
về tài chính đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
có sự quản lý của Nhà nước, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người sử
dụng đất, quyền lợi của Nhà nước, chủ đầu tư và đảm bảo ổn định xã hội;
phù hợp với quá trình thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước.
Thứ chín, Luật mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp
cho hộ gia đình, cá nhân sản suất nông nghiệp; mở rộng hạn mức nhận
chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đáp ứng yêu cầu tích
tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với
đường lối phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được nêu trong Nghị quyết
26 của BCH Trung ương Đảng.
Thứ mười, Luật đã thể hiện một cách đầy đủ về quyền,
nghĩa vụ của người sử dụng đất phù hợp với từng hình thức sử dụng đất
cụ thể như giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử
dụng đất, cho thuê đất.
Mặt khác, Luật sửa đổi cũng đã quy định đầy đủ hơn sự bình đẳng về sử
dụng đất giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài phù hợp
với yêu cầu hội nhập khu vực và thế giới nhằm thu hút đầu tư của các Nhà
đầu tư nước ngoài.
Cuối cùng, điểm đặc biệt trong Luật sửa đổi, bổ sung
lần này lã đã bổ sung các quy định mới về hệ thống thông tin, hệ thống
giám sát, theo dõi, đánh giá một cách công khai, minh bạch và đảm bảo
dân chủ trong điều kiện đất đai thuộc sở hữu toàn dân.