Những phát ngôn “vang như chuông” trên thị trường BĐS năm Quý Tỵ
CafeLand – Nhìn lại những nhận định của rất nhiều chuyên gia đưa ra
trong năm 2013, có thể dễ dàng nhận thấy sự bi quan vẫn bao trùm trong
các đánh giá về thị trường nhà đất. Trong đó, những phát biểu “chói
tai”, hứng nhiều “gạch đá” từ dư luận của 2 vị TS Alan Phan và ông
Nguyễn Văn Đực chính là những ý kiến trúng và đúng nhất với những gì đã
diễn ra tính đến thời điểm hiện tại.
Sau đây những nhận định ấn tượng về thị trường bất động sản trong năm 2013 do CafeLand bình chọn:
Bộ trưởng Bộ Xây dựng: “Gói tín dụng không cứu bất động sản”
Ngày 27/8/2013, trong buổi tiếp đoàn kiểm tra của Bộ
Chính trị, ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã nhấn mạnh, gói
tín dụng đã triển khai thực chất không dùng để cứu thị trường bất động
sản mà chỉ có tác dụng kích cầu kinh tế, tạo cơ hội cho người nghèo có
nhà.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: “Lương 6 triệu vẫn có thể mua được nhà”
Cuối tháng 8/2013, trả lời trong một hội thảo trực
tuyến, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã nhận định rằng “Nếu
người có mức lương 6 triệu đồng và sống một mình thì hoàn toàn có thể
mua được căn hộ 30m2”.
Thứ trưởng cũng từng nhận định “Thu nhập 18 triệu có thể mua được nhà”.
Ông cho rằng “Gia đình 2 vợ chồng đi làm tổng thu nhập 18 triệu đồng
mỗi tháng, hoàn toàn có thể tham gia gói vay mua nhà 30.000 tỷ đồng”.
Chủ tịch Quốc hội: “Định giá đất như vậy, dân không chịu”
Phát biểu về những quan ngại xung quanh quy định về giá
đất trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã cho rằng
“nếu không cấp tập hoàn thiện thêm thì khó thông qua, nội cái định giá
thế dứt khoát dân không chịu”.
Ông cũng yêu cầu phải giảm thiểu tối đa nghị định hướng
dẫn thi hành luật, và có thể đổi tên thành bộ luật sau khi đã chỉnh lý
đầy đủ với các quy định cơ bản là áp dụng được ngay."Cứ đọc một điều rồi
thử xem mình là đối tượng điều chỉnh xem làm thế nào và có vấn đề gì
không, chứ tôi đọc khối điều xong không biết làm kiểu gì, chỉ nội cái
định giá thế, dứt khoát dân không chịu", Chủ tịch nhấn mạnh.
“Đừng bi kịch hóa thị trường bất động sản!”
Quan điểm trên do TS. Mai Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy
ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, ông nói “Nợ xấu từ thị trường bất
động sản không phải là xấu nhất so với một số ngành khác và không phải
là nếu không được Nhà nước cứu thì doanh nghiệp bất động sản sẽ đồng
loạt chết, kéo theo nền kinh tế lao đao! Đừng “bi kịch hóa” thị trường
này!”
Phát ngôn ấn tượng của GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường:
+ “Không có chuyện vỡ thị trường trong năm 2013”
Tại Hội thảo “Kinh tế vĩ mô và thị trường bất động sản”
do Tạp chí đầu tư bất động sản CafeLand tổ chức, trong phần tham gia
tranh luận, ông Đặng Hùng Võ đã khẳng định “Ông chưa bao giờ cho rằng
thị trường bất động sản Việt Nam vỡ” và ông nhấn mạnh “Cũng không có
chuyện vỡ gì trong năm 2013”.
+ “Chuyện đi tìm “đáy” là xúi dại”
Trong khuôn khổ hội thảo "Triển vọng phục hồi của thị
trường bất động sản" do Báo Đầu Tư và Cushman & Wakefield tổ chức,
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng,
thị trường bất động sản Việt Nam đang tồn tại nhiều nghịch lý. “Nếu chỉ
nghĩ đến điều này thì sẽ thiếu sự khôn ngoan vì thực tế chứng minh
nhiều giải pháp nảy sinh từ thị trường. Cũng không nên quan trọng hóa
chuyện đâu là đáy vì khái niệm này rất vô hình. Thêm nữa, dò đáy để làm
gì vì một người khi có quyết định mua nhà, không chỉ dựa trên nhu cầu mà
còn ở điều kiện sống, tiện ích...”
+ “Người thu nhập thấp khoan vội mua nhà!”
Ông Võ cho rằng, nếu thu nhập thấp hãy tạm thuê nhà ở, tìm cách để có thu nhập cao hơn rồi hãy tính đến mua nhà.
Theo đánh giá của GS Đặng Hùng Võ, nhìn chung thị trường
bất động sản đang ở trạng thái chững lại, các giao dịch cụ thể trên thị
trường ít, đất đai cũng không còn hấp dẫn mọi người như thời điểm thị
trường nóng sốt trước đây.
“Tôi sững sờ với giá nhà Việt Nam”
Trao đổi với báo chí về việc giải cứu thị trường, ông
Sam Cucurullo, chuyên gia Quản lý bất động sản khu vực Châu Á Thái Bình
Dương cho rằng Việt Nam cần một cơ quan thẩm định tầm Chính phủ để tránh
giá nhà ảo.
Theo đó, ông chia sẻ “Khi tôi đi trên đường, mọi người
chỉ cho tôi một số căn nhà rồi nói giá của căn nhà đó và tôi thấy rất
sững sờ. Tôi không hiểu, người Việt Nam thu nhập có mức bình quân như
vậy mà lại mua được một căn nhà như thế. Bởi vậy, rõ ràng việc định giá
về bất động sản là cần thiết”.
“Bất động sản cần 6 năm để phục hồi”
Theo chuyên gia quốc tế John Sheehan, địa ốc không đủ
khả năng tự cứu mình nên cần có sự can thiệp mạnh, đúng thời điểm của
Chính phủ. Hiện tại, giá bất động sản chưa về thực nên nhà đầu tư cần
chờ đợi.
Ông John Sheehan là một chuyên gia quốc tế rất am hiểu
về các danh mục vay của ngân hàng. Ngoài ra, ông là thành viên Tổ chức
giám định bất động sản Hoàng Gia (FRICS) của Anh. Ngày 28/2, ông đến
Việt Nam và có cuộc trao đổi với báo giới về tình hình thị trường bất
động sản cũng như vấn đề về nợ xấu.
Ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội: “Bất động sản rẻ như bùn cũng không tới được tay người thu nhập thấp”
Ông nhận định, “nếu không cứu thị trường bất động sản mà
để cho nó “chết” thì các doanh nghiệp đồng loạt phá sản, và như vậy,
giá bất động sản sẽ rẻ như bùn, hệ quả sẽ xảy ra là khi giá bất động
sản đã rẻ thì người nghèo, người không có tiền sẽ không có cơ hội mua
được nhà, bởi vì các chủ đầu tư, chủ dự án sẽ bán buôn, đồng thời các tổ
chức không liên quan gì đến bất động sản sẽ nhảy vào “vơ vét”, và như
vậy, các tổ chức này không để ra vài căn hộ nhỏ lẻ để làm từ thiện, hay
để bán cho người nghèo, mà “ôm” một thời gian, sau đó lại “thổi giá”
kiếm lời.”